Sáng 21/7, tại Bắc Giang, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam và Viện Thú y phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình tập huấn: “Phúc lợi động vật trong chăn nuôi và an toàn sinh học”.
Lớp tập huấn được tổ chức bao gồm 4 nội dung chính, đó là: an toàn sinh học trong chăn nuôi, phúc lợi động vật – các tiêu chuẩn tối thiểu, phúc lợi động vật trong chăn nuôi gà đẻ và phúc lợi trong chăn nuôi lợn nái.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Hạ Thúy Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật Việt Nam (VAWA) nhận định, Bắc Giang là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm với thương hiệu gà Yên Thế.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm mới, chưa được nhiều địa phương quan tâm triển khai áp dụng mặc dù đã được đề cập trong Luận Chăn nuôi và Luật Thú y.
Đơn cử, tổng đàn gà cả nước hiện vào khoảng 550 triệu con, nhưng tỷ lệ đàn chăn nuôi gà đảm bảo phúc lợi động vật còn rất ít. Hiện tại mới có 2-3 trại được chứng nhận trang trại chăn nuôi nhân đạo, phúc lợi động vật từ công đoạn sản xuất đến giết mổ.
Hay tổng đàn lợn nái của Việt Nam vào khoảng 3,2 triệu con nhưng chưa có trại nào nhận được chứng nhận trang trại chăn nuôi nhân đạo, phúc lợi động vật.
“Phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt” – TS. Hạ Thúy Hạnh thông tin.
Theo bà Hạnh, hiện nay ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phát triển rất mạnh, xu hướng đảm bảo phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường.
Phúc lợi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững và đem lại lợi ích cho trang trại về giá trị đầu ra của sản phẩm. Khi áp dụng phúc lợi vật nuôi là động vật được nuôi theo hướng phúc lợi có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn. Cùng với đó, chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế.
TS. Lê Văn Dương – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang khẳng định, việc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi hay đảm bảo phúc lợi động vật là việc làm rất cần thiết.
“Nó không chỉ giúp đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo của vật nuôi mà còn là điều kiện tiên quyết để chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế” – ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong những năm qua, một số loài vật nuôi chủ lực của tỉnh Bắc Giang luôn có tổng đàn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Tổng đàn lợn luôn duy trì khoảng 910.000 con; đàn gia cầm 20 triệu con, trong đó đàn gà 17 triệu con.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang kỳ vọng thông qua chương trình tập huấn này, các cán bộ quản lý chuyên môn cấp tỉnh, huyện ở Bắc Giang sẽ được trang bị bổ sung kiến thức về phúc lợi động vật, qua đó làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền đối xử nhân đạo, đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.